Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

Bước khởi đầu của điện toán đám mây

     Khi lợi thế cạnh tranh nằm ở nền tảng công nghệ thì điện toán đám mây là một xu thế quan trọng. Một số doanh nghiệp trong nước nắm bắt được xu thế này và đang chuyển mình, mở lối cho doanh nghiệp Việt.

   Gõ từ tìm kiếm "máy chủ ảo" trên Google với phạm vi tìm kiếm tại Việt Nam, bạn sẽ thấy được khoảng chục kết quả tìm kiếm trả về, tương ứng với đó cũng có khoảng chục quảng cáo liên quan, gồm tên tuổi các công ty tương tự như kết quả SEO trên Google. Nói chung, kết quả tìm kiếm này khá mỹ mãn cho người dùng vì có được những chọn lựa dịch vụ cần thuê. Nhưng đối với một ngành công nghệ thì một chục kết quả tìm cùng với bằng đó quảng cáo cho thấy thị trường điện toán đám mây trong nước còn quá mới, chưa có tính cạnh tranh cao và là cơ hội để các công ty công nghệ, nhất là công ty khởi nghiệp đầu tư. PC World Vietnam đã tiếp cận một số doanh nghiệp trong nước sớm đầu tư vào điện toán đám mây để tìm hiểu sâu hơn về thị trường này.



Mới chỉ là bước khởi đầu

Trong vài năm qua, giới công nghệ luôn nhấn mạnh đến điện toán đám mây. Các quốc gia phát triển đã triển khai và ứng dụng điện toán đám mây ở mức phổ biến. Nhưng với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, có nền kinh tế vẫn còn dựa nhiều vào tiền mặt, thương mại điện tử mới chỉ chuyển mình thì việc người dùng chuyển mọi thứ lên một nền tảng hoàn toàn "vô hình" như điện toán đám mây vẫn còn gặp nhiều trở ngại.

Công ty PAVietnam mới chỉ xem mảng đầu tư vào điện toán đám mây như là giải pháp lấp chỗ trống cho dải sản phẩm/dịch vụ lâu nay của họ là phát triển trang web, tên miền và họ vẫn còn đang theo dõi thị trường. Còn công ty khởi nghiệp Long Vân 2 năm tuổi với định hướng cụ thể, hoàn toàn tập trung nguồn lực vào điện toán đám mây, cho thuê hạ tầng trung tâm dữ liệu (TTDL) và máy chủ ảo hướng đến doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sao Bắc Đẩu nhà cung cấp giải pháp cho doanh nghiệp quy mô lớn, cũng không làm ngơ khi từ năm 2011, họ đã vạch ra lộ trình phát triển cho mảng kinh doanh điện toán đám mây nhắm đến mảng ngân hàng, tổ chức tài chính và bảo hiểm. ODS (Online Data Services) với vai trò nhà phân phối nền tảng ảo hóa Parallels, cung cấp nền tảng cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ảo hóa cũng chỉ khoảng cách nay 3 năm... Theo ông Mạc Minh Hưng, phó giám đốc công ty cung cấp điện toán đám mây IDC Online có trụ sở tại Hà Nội, hiện trong nước chỉ mới có khoảng từ 5-7 doanh nghiệp thực sự kinh doanh điện toán đám mây mà thôi.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét